Sữa mẹ rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ, nhưng ăn dặm cũng không kém phần quan trọng trong việc giúp trẻ tăng trưởng và thích nghi với cuộc sống, đặc biệt là bé vừa mới bắt đầu ăn dặm. Chính vì vậy, mẹ nên tìm hiểu một số kiến thức về ăn dặm và thực đơn ăn dặm cho bé 4 tháng để giúp bé phát triển khỏe mạnh
Vai trò của ăn dặm đối với sự phát triển của trẻ
Các nhà nghiên cứu về nhi khoa cho rằng: thời điểm tối ưu để cho trẻ ăn dặm là lúc 4 tháng tuổi, khi chức năng tiêu hóa của ruột và khả năng của thận đã khá hoàn thiện, sẵn sàng cho việc ăn uống ngoài sữa. Mặt khác, nhu cầu dinh dưỡng trong ăn dặm cho bé 4 tháng bao gồm các chất khoáng như: sắt, kẽm bắt đầu có thể bị thiếu hụt từ khoảng 4 tháng tuổi. Vì vậy, khi bé tròn 4 tháng tuổi, mẹ cần theo dõi sự tăng cân của bé sát sao hơn.
Bình thường đến thời điểm 4 tháng, bé sẽ tăng khoảng 150g – 200g mỗi tuần. Nếu thấy bé có khuynh hướng hơi chậm phát triển thì có thể tập cho ăn dặm ngay. Nhưng nếu chỉ với sữa mẹ mà bé vẫn tăng nhanh chứng tỏ sữa mẹ vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ, có thể dời thời điểm cho ăn lại đến tháng thứ 5 hoặc thứ 6.
Lúc này, nếu bạn thấy trẻ hay nhìn miệng mọi người khi ăn uống, đòi thức ăn, miệng chép chép theo thì có thể thử cho bé uống chút nước súp, nước cháo hoặc nước trái cây,… Đây chính là thời điểm bạn cần cho bé tập ăn dặm, nhằm đảm bảo cho bé tiếp tục tăng trưởng và phát triển bình thường.
Mặt khác, tập cho trẻ ăn lúc này là một cách giúp bé hòa nhập vào gia đình và cách ăn uống của gia đình. Bé sẽ bắt đầu mọc răng vào khoảng 6 – 8 tháng tuổi nên có nhu cầu nhai để có thói quen ăn uống tốt sau này. Khi trẻ bú mẹ đã làm quen với hương vị các loại thức ăn qua sữa mẹ nên dễ dàng trong việc tiếp nhận các thức ăn này ở tuổi ăn dặm.
Một điều cần lưu ý là nếu từ 4 – 6 tháng tuổi chúng ta không tập cho trẻ ăn dặm thì khi trẻ từ 7 – 8 tháng tuổi trỏ đi sẽ khó khăn trong việc tập ăn dặm, do đã quá quen với việc bú sữa. Bé sẽ khó chấp nhận các thực phẩm có mùi vị và độ đặc khác sữa, không quen với cách ăn từ muỗng, từ thìa…hoặc dễ gây ra các hiện tượng ăn uống thiên lệch, không ăn được nhiều loại thức ăn,… ảnh hưởng lâu dài đến tình trạng dinh dưỡng sau này. Vì vậy cần phải nhận biết sớm dấu hiệu trẻ có nhu cầu ăn dặm để kịp thời bổ sung dinh dưỡng cho bé yêu của bạn.
Các giai đoạn cho bé ăn dặm
Thời kỳ ăn dặm của bé chia thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn ăn bột:
Thời kỳ ăn dặm cho bé 4 tháng từ được xem là cột mốc đầu tiên, mẹ đã có thể cho bé nhấm nháp một chút bột được rồi. Trong giai đoạn này nên mua bột dinh dưỡng đóng hộp của các hãng có uy tín. Vì bé chưa ăn được nhiều nên bạn không cần mất công nấu nướng. Vả lại, bột dinh dưỡng có chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ.
- Giai đoạn ăn cháo:
Khi bé được khoảng 7 tháng tuổi trở lên và đã ăn được kha khá, bạn có thể nấu cháo cho bé ăn. Không nên chỉ hầm xương lấy nước, vì nước ngọt của xương hoàn toàn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, mà bé cần ăn cả xác thịt, cá, rau củ. Nên hầm riêng một nồi cháo nhừ. Mỗi bữa ăn của bé, bạn múc cháo ra và cho thịt, cá, rau củ vào nấu chín từng bữa, thêm dầu ăn cho bé ăn. Khi nấu cho bé, bạn nên nêm thật nhạt. Nếu không có mắm muối mà bé vẫn ăn ngon thì càng tốt.
Lúc đầu dùng rây thưa tán cháo. Sau đó, chỉ cần băm nhuyễn thịt, cá và rau củ là được. Bạn nên tập dần cho bé quen từ thức ăn nhuyễn đến hạt lợn cợn và cuối cùng là cho ăn cơm.
- Giai đoạn ăn cơm:
Khi có đủ răng (20 cái), bé mới có thể nhai cơm thật kỹ. Bạn nên nấu cơm mềm và dằm nát cho trẻ ăn. Tập cho trẻ ăn các loại rau, củ bằng cách nấu canh rau đay, canh mồng tơi, canh bí đỏ, canh súp (nấu với cà rốt, khoai tây, súp lơ, su hào). Nên cắt ngắn rau cho bé dễ nhai, không bị hóc cọng rau.
Thực đơn ăn dặm cho bé 4 tháng
Thức uống cho bé 4 tháng
+ Nước dưa hấu
Nguyên liệu:
- Ruột dưa hấu 100g
- Đường trắng 10g Cách làm:
– Cho ruột dưa hấu vào bát, dùng thìa dầm nát, lọc lấy nước. Cho thêm chút đường trắng vào, khuấy đều là được.
+ Nước cam (quýt) tươi
Nguyên liệu:
- Cam (quýt) tươi
- Đường trắng, nước ấm vừa đủ.
Cách làm:
Rửa sạch cam, quýt, bổ thành hai nửa, cho vào máy xay sinh tố ép lấy nước, cho thêm chút nước ấm và đường trắng khuấy đều.
+ Nước cà chua
Nguyên liệu:
- Cà chua tươi
- Đường trắng và nước ấm vừa đủ.
Cách làm:
Rửa sạch cà chua, chần qua nước sôi rồi bóc vỏ, bỏ hạt, ép lấy nước. Cho đường trắng vào, khuấy đều với nước ấm là được.
Bột ăn dặm cho bé 4 tháng
+ Bột trứng cà rốt
Nguyên liệu:
- Bột gạo: 10g (2 muỗng canh)
- Trứng gà: 15g (1 /2 lòng đỏ)
- Cà rốt: 30g (3 muỗng canh)
- Đường: 2g (1 /2 muỗng cà phê)
- Dầu ăn: 5g (1 muỗng cà phê)
- Nước: 200ml (lưng 1 chén nước)
Cách làm:
– Cà rốt nấu chín tán nhuyễn. Trứng gà đánh đều lòng đỏ.
– Cho 10g bột gạo vào ít nước quấy tan đều, thêm vào phần nước còn lại cùng với trứng, cà rốt, đường. Bắc lên bếp lửa nhỏ, khuấy đều tay đến khi bột chín, cho ra chén thêm vào một muỗng cà phê dầu ăn dành riêng cho trẻ em, trộn đều là được.
+ Bột đậu bí xanh
Nguyên liệu:
- Bột gạo: 10g (2 muỗng canh)
- Đậu phụ trắng: 30g (3 muỗng canh)
- Bí xanh: 30g (3 muỗng canh)
- Đường: 2g (1 /2 muỗng cà phê)
- Dầu ăn: 5g (1 muỗng cà phê)
- Nước: 200ml (lưng 1 chén nước)
Cách làm:
– Bí xanh nấu chín tán nhuyễn. Đậu phụ trắng tán nhuyễn.
– Hòa 10g bột gạo với chút nước, thêm vào hỗn hợp trên với phần nước còn lại, bí xanh, đậu phụ, đường, bắc lên bếp lửa nhỏ, khuấy đều đến khi chín. Cho ra chén thêm vào 1 muỗng cà phê dầu trộn đều, nêm nước mắm ngon hoặc muối iốt vừa ăn. (Có thể thay thế bí xanh bằng rau dền, rau muống, rau mồng tơi…)
+ Bột trứng su su
Nguyên liệu:
- Bột gạo: 10g (2 muỗng canh)
- Trứng gà: 15g (lòng đỏ)
- Su su: 30g (3 muỗng canh)
- Đường: 2g (1 muỗng cà phê)
- Dầu ăn: 5g (1 muỗng cà phê)
- Nước 200ml (lưng 1 chén nước)
Cách làm:
– Su su nâu mềm tán nhuyễn.
– Lòng đỏ trứng gà đánh đều.
– Hòa tan bột với chút nước, cho thêm phần nước còn lại với trứng, su su, đường.
– Bắc lên bếp lửa nhỏ, khuấy đều tay đến khi bột chín, cho ra chén thêm 1 muỗng cà phê dầu trộn đều.
Tóm lại, chế biến các món ăn dặm cho bé 4 tháng là vấn đề vô cùng quan trọng, vì đây là thời điểm ban đầu bé vừa tập ăn dặm, hê tiêu hóa vẫn còn non nớt, chưa thể tiếp nhận các dinh dưỡng từ thực phẩm một cách tốt nhất. Chính vì vậy, mẹ nên tìm hiểu thêm thông tin dinh dưỡng để có thể áp dụng đúng đắn và khoa học nhất trong hành trình dưỡng bé.
Cảm ơn các mẹ đã đọc bài viết!