Sự tự tin cần thiết như thế nào? Ít khi chúng ta để ý rằng sự tự tin của một người cần được rèn luyện từ khi còn nhỏ. Do đó, để giúp trẻ tự tin hơn các bậc phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân, biểu hiện thiếu tự tin ở trẻ để có phương pháp nuôi dưỡng tính tự tin cho trẻ từ giáo dục mầm non. Chính xác là sự tự tin hay tự ti ở bé sẽ bộc lộ dần khi chúng tham gia vào môi trường mới, đặc biệt là những năm đầu khi bước vào mẫu giáo.
Sự khác nhau giữa tự tin và thiếu tự tin
Đối với những trẻ tự tin thì luôn hoạt động độc lập và thấy tự hào với những việc đã hoàn thành. Trẻ có khả năng chịu thất bại, cố gắng thực hiện nhiệm vụ mới và giúp đỡ người khác. Ở trạng thái cao hơn, trẻ có thể tự kiểm soát cảm xúc của bản thân mình.
Còn đối với những trẻ thiếu tự tin thường không muốn thử làm điều mới lạ và chúng khó chịu khi bản thân gặp khó khăn. Đặc biệt chúng không có khả năng chịu đựng thất bại từ đó dễ bị ảnh hưởng bởi người khác.
Trong quá trình phát triển ở trẻ, phụ huynh đóng một vai trò quan trọng là dẫn dắt, hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ mầm non. Dưới đây là một số gợi ý giúp phụ huynh tạo điều kiện để trẻ phát triển sự tự tin của mình:
Khích lệ trẻ mỗi ngày
Khi trẻ hoàn thành xong một công việc được giao hãy vui vẻ khen trẻ, cho trẻ thấy bạn hài lòng về những gì con làm được. Thông thường, bố mẹ chỉ biểu hiện thái độ tiêu cực khi trẻ không ngoan nhưng không biết khích lệ khi trẻ làm điều gì đó đáng khen. Chúng thường ghi nhớ những lời nói yêu thương mà bạn dành cho chúng. Và những lời nói ấy có tác dụng làm trẻ tự tin hơn và luôn được chúng nhớ tới.
Dạy trẻ nói những lời tích cực với bản thân
Tự nói những lời độn viên bản thân là một phần quan trọng trong những việc mà chúng ta nên làm. Nghiên cứu đã cho thấy, những lời nói tiêu cực sẽ đi kèm với biểu hiện lo lắng, suy nhược. Những gì chúng ta nghĩ sẽ phản ánh những gì chúng ta làm. Do đó, các bố mẹ nên dạy trẻ biết cách nói lời động viên và tích cực với bản thân. Chẳng hạn, khi trẻ nói “con không làm được”, thì các bậc phụ huynh nên nói “Con chưa làm được” để tạo cơ hội cho trẻ vượt qua thử thách.
Tránh phê bình bằng cách nhạo báng hay hạ thấp trẻ
Khi trẻ hành động không đúng, bố mẹ có thể phê bình con, tuy nhiên không nên sử dụng những từ ngữ làm trẻ cảm thấy bị nhạo báng hay bị hạ thấp. Điều quan trọng các bạn nên học nói “Bố/mẹ thấy rằng” thay vì “Con có thấy”. Bố mẹ nên có cách giao tiếp tôn trọng trẻ. Dạy trẻ tự đưa ra quyết định và nhận ra quyết định đúng bởi trẻ sẽ không nhận thấy được việc mình đã tự đưa ra quyết định.
Không nên đánh giá thấp khả năng của trẻ
Người lớn có xu hướng đánh giá thấp khả năng của trẻ, không tin trẻ có thể làm được. Bố mẹ nên giao cho con những nhiệm vụ đòi hỏi cao hơn một chút với khả năng của bé để giúp trẻ có nhiều trải nghiệm cần thiết hơn để phát triển giá trị bản thân. Do đó, các bậc phụ huynh nên thường xuyên giao nhiệm vụ vừa sức để trẻ có thể thành công kết hợp khen ngợi, động viên giúp trẻ hình thành tính chủ động và sự tự tin.
Phát triển sự tự tin trong môi trường giáo dục mầm non
Trong các môi trường mầm non, cô giáo sẽ là người theo sát và có phương pháp phù hợp để phát huy sự tự tin bên trong mỗi bé. Nhà trường tạo điều kiện và cơ hội để trẻ được vui chơi, học tập cùng nhau trải nghiệm những kỹ năng mạnh dạn tự tin. Cho các bé tham gia hoạt động ngoại khóa, tham quan, lễ hội với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn và sinh động để trẻ tích cực mạnh dạn trong giao tiếp, kết bạn, vui chơi học tập theo nhóm ngay tại chính ngôi trường.
>>> Tìm hiểu: Chương trình học mầm non trường quốc tế Việt Úc
Kết,
Tự tin là đức tính chỉ có thể rèn luyện từng ngày. Các bé sẽ trở nên tự tin nhờ vào cảm giác được yêu thương, tôn trọng và thấy mình có giá trị. Vì vậy, việc áp dụng các phương pháp giáo dục mầm non phù hợp sẽ giúp trẻ phát huy khả năng trong trẻ.