Không phải đứa trẻ nào cũng uống hết lượng sữa mẹ pha, lượng sữa thừa đó thường được mẹ bảo quản trong tủ lạnh hoặc bên ngoài nhiệt độ phòng và khi nào bé đói thì tiếp tục cho con bú tiếp, điều này là hoàn toàn không nên.
1. Lý do không nên cho con tiếp tục uống
Thời hạn an toàn của một bình sữa để bạn có thể cho bé tiếp tục uống là 1 giờ đồng hồ. Các bác sĩ khuyên rằng không nên dùng sữa trong bình thừa cho bé bú lại sau khoảng thời gian cho phép phía trên. Cho dù đó là sữa bột công thức hay sữa mẹ được vắt ra cho vào bình thì cũng chỉ nên sử dụng không quá 1 tiếng. Mẹ nên đổ phần sữa đó đi và pha lại bình sữa mới cho con khi con có nhu cầu uống tiếp.
Sữa còn thừa trong bình có thể chứa vi khuẩn có hại và chúng sẽ phát triển sinh sôi nảy nở nhanh chóng trong môi trường sữa ấm. Mặc dù bình và nùm vú đều được tiệt trùng trước khi cho bé uống nhưng những vi khuẩn này có thể đến từ không khí hoặc ngay trong nước bọt của trẻ.
Ngoài ra, một số mẹ bảo quản sữa thừa trong bình vào tủ lạnh vì nghĩ là sẽ bảo quản được lâu hơn, thực chất, ngay cả trong nhiệt độ của tủ lạnh, vi khuẩn vẫn có thể tiếp tục sinh sôi nảy nở nhưng chỉ là chúng sẽ phát triển với tốc độ chậm hơn.
Để không phải lãng phí sữa đắt tiền, mẹ có thể theo dõi trẻ, nếu hôm nay con đã ăn thêm ở bên ngoài, bạn có thể chủ động pha ít sữa lại hoặc trẻ đã vận động nhiều trong buổi sáng thì mẹ có thể tăng lượng sữa lên cho bé. Tận dụng sữa thừa cho con uống tiếp tục có thể khiến con mắc bệnh tiêu chảy. Trẻ bị tiêu chảy đôi khi không phải do dị ứng với loại sữa đang uống mà còn do mẹ cho con uống không đúng cách.
2. Hâm nóng sữa đúng cách
Nếu trong khoảng thời gian 1 tiếng và bạn muốn cho con bú sữa tiếp thì có thể tham khảo các cách hâm nóng sữa vẫn đảm bảo được các chất dinh dưỡng cho con.
Kể cả sữa công thức và sữa mẹ vắt ra thì đều cần được làm ấm lại trước khi cho con uống, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn 2 cách sau đây:
– Đổ nước nóng vào một cái bát, đặt bình sữa vào giữa bát nhưng để không quá 15 phút, trong lúc làm ấm, thi thoảng nên lắc bình sữa để sữa trong bình được làm ấm đều.
– Cách 2 sẽ đơn giản hơn nhiều đó chính là sử dụng máy hâm nóng sữa.
Mẹ cần kiểm tra nhiệt độ của sữa trong bình bằng cách nhỏ vài giọt sữa lên cổ tay để cảm nhận nhiệt độ, nếu cảm thấy âm ấm ( không nóng) thì được. Trẻ sơ sinh chưa biết nói nên không thể nói với bạn khi nào sữa nóng, sữa quá nóng sẽ làm con yêu bị bỏng.
Một điểm lưu ý nữa đó chính là không nên hâm nóng sữa bằng lò vi sóng vì tuy nhanh chóng nhưng nhiệt độ cao trong lò vi sóng có thể phá hủy một số dưỡng chất của sữa.
Ngoài việc cho bé dùng sữa đúng cách, đối với những trẻ trên 6 tháng, mẹ có thể cho trẻ ăn dặm thêm bột hoặc cháo và nước trái cây để con tăng cường thêm chất dinh dưỡng, mẹ nhé!