Giáo dục trẻ theo hoàn cảnh nơi ở

Hoàn cảnh có mối liên hệ mật thiết đến tính tình trẻ, thể hiện rõ ràng qua lối cư xử của trẻ con Tây phương và Đông phương. Trẻ Tây phương vui nhộn, hồn nhiên, bạo dạn; trẻ Đông phương im lặng, bẽn lẽn, nhút nhát.

Hoàn cảnh và nơi ở ảnh hưởng đến tính cách của trẻ

Lấy ví dụ ngay ở cây cỏ hoa lá. Có những thứ cây trồng tốt ở Tây phương, mang sang Đông phương hóa xấu, cằn cỗi và không đâm chồi nảy lộc. Cũng một thứ hoa mọc ở đồng rừng núi cao không giống sắc hương khi trồng ở đồng bằng.

Chính nơi ở giúp nhiều cho trẻ tiến triển. Nơi ở và hoàn cảnh gồm mọi điều kiện và tình huống đời sống: Nhà cửa rộng rãi, cao ráo hay chật chội tối tăm, ở thành hay ở quê, trên núi hay bờ biển.

Trong xã hội gia đình nông dân hay thợ thuyền, công việc làm lụng giao thiệp của cha mẹ, cách thức sống của anh em, tất cả những cái đó đều làm nên hoàn cảnh và nơi ở ảnh hưởng đến tâm tính con trẻ một cách mau lẹ.

Con trẻ trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi lương thực, khí hậu và địa thế. Tâm hồn con trẻ chịu ảnh hưởng bởi gương lành, tư tưởng, thói tục tập quán. 

Người ở rừng núi không giống người sinh sống ở đồng bằng, người nông thôn khác người tỉnh thành, đó là yếu tố thay đổi tâm tình lúc còn trẻ.

Phương pháp giáo dục ở mỗi nơi đều khác nhau

Để rút kinh nghiệm giáo dục, chúng ta hãy so sánh hai con trẻ, một ở tỉnh, một ở quê. Trẻ ở thành nhanh nhẹn, uyển chuyển và có bề hoạt động lanh lẹ. Trẻ ở tỉnh hiểu nhanh, dễ nhận thức công việc, lại tinh nghịch và chịu ảnh hưởng sớm hơn, do cảnh tượng đập vào giác quan như chớp bóng, kịch tuồng, điện ảnh, báo chí, cạnh tranh.

Vì thế trẻ ở tỉnh nhiều tưởng tượng, nhiều cảm tình nhưng ý chí thường yếu, không được mạnh, và không được cương quyết. Bởi gặp nhiều hoàn cảnh xã hội hợp thời, nên trẻ ở tỉnh bao giờ cũng cởi mở và tự nhiên, có lòng rộng rãi và dễ biểu lộ lòng biết ơn.

Còn trẻ ở quê thì cục mịch, dẻo dai và lặng lẽ ít nói. Nhưng lại quan sát nhiều hơn, đám trẻ quê này tuy ít ham mê học hành, kém khuynh hướng nghệ thuật, một khi theo đuổi nghề nghiệp nào luôn luôn bền dai. Bởi hoàn cảnh bị đóng kín, trẻ ở quê hay quanh quẩn sau lũy tre, nên nhút nhát sợ sệt, không hay nói, hay nói ít, không dám xung phong công việc. Trẻ ở quê được ưu điểm là hăng hái can đảm chân thực và yêu mến những người giúp mình tiến bộ.

Còn trẻ ở quê thì cục mịch, dẻo dai, và lặng lẽ ít nói

Những ai gánh phận sự giáo dục nhi đồng, cần chú trọng đến nơi ở và ảnh hưởng do nơi ở, để xét đoán và hiểu biết con trẻ. Điều quan trọng hơn nữa là sử dụng những điều kiện đời sống của đám trẻ để giáo dục, và đề phòng ảnh hưởng xấu xa của hoàn cảnh nơi ở. Làm như vậy chúng ta sửa đổi đời sống của trẻ theo mục đích giáo dục.

Muốn rèn đúc con cái, cha mẹ cần cải tiến gia đình cho ấm áp, nhà cửa cho vệ sinh, rộng rãi, mới hy vọng đứa trẻ thoải mái khỏe mạnh.

Nhờ hoàn cảnh mát mẻ thanh nhã cùng chế độ ăn uống phù hợp, con trẻ hưởng được sức bên ngoài, đủ nghị lực bên trong, mới ảnh hưởng tốt đẹp vào tâm tưởng, đủ can đảm vươn lên giữa xã hội.