Mách mẹ chế biến bột ăn dặm cho con yêu (Phần 2)

Ở phần 1, chúng tôi đã chia sẻ những cách chế biến bột ăn dặm cho bé yêu của bạn, ở phần 2 này,  chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu thêm một số món ăn dặm nữa để thực đơn của bé nhà mình thêm phong phú.

Bột trứng – đậu hũ

Bột ăn dặm cho bé

Thực hiện

1. Rửa sạch đậu hũ non, luộc sơ qua nước sôi, rồi tán nhuyễn.
2. Luộc chín trứng gà, lột vỏ, bỏ lòng trắng, chỉ lấy lòng đỏ, tán nhuyễn.
3. Cho đậu hũ vào nồi, thêm một ít nước, đun sôi, cho lòng đỏ trứng vào, khuấy đều tay, thêm một ít muối và dầu ăn vào cho bé dùng.

Dinh dưỡng

– Đậu hũ được mệnh danh là “phô mai của châu Á” vì nó cung cấp cho cơ thể nhiều chất dinh dưỡng có ích cho sức khoẻ, hơn nữa những món ăn được làm từ đậu hũ luôn mang lại cảm giác thanh mát. Lượng canxi cao trong đậu hũ giúp cho hệ xương của trẻ phát triển khỏe mạnh. Trong 100g đậu hũ có 145 calories, 9g chất béo tổng hợp, 14mg muối khoáng, 4g chất bột, 16g chất đạm.

– Đậu hũ non rất dễ chế biến thành các món ăn ngon, đa số trẻ đều thích.

– Trứng cung cấp cho trẻ nhiều chất đạm và sắt. Không nên để trứng quá

– 30 ngày trong tủ lạnh kể từ ngày trứng được đóng gói bán. Nếu mua trứng ở ngoài chợ thì nên dùng trong vòng 3 tuần kể từ ngày mua để đảm bảo trứng vẫn còn tốt, và khi đập trứng ra, lòng đỏ tròn không bị vỡ, lòng trắng đặc và nổi.

Bột cá lóc

Bột ăn dặm cho bé

Thực hiện

1. Nạc cá lóc rửa sạch, cắt hạt lựu, cho vào nồi nước sôi, luộc chín, vớt ra.
2. Cho một ít nước vào khuấy cho bột gạo tan đều, rồi cho bột gạo vào cá, tán nhuyễn cá với bột, nêm dầu ăn và muối vào, rồi mang chưng chín là có thể cho bé dùng.

Dinh dưỡng

– Cứ 100g nạc cá lóc thì có 21% đạm, 2% chất béo, cung cấp 77 calori, và nhiều loại chất khoáng như canxi, phốt pho, iốt, kẽm, sắt, các vitamin như BI (10,02mg), B2 (20,1mg), vitamin E (237mg). Theo y học cổ truyền, cá lóc vị ngọt, tính bình, không độc. Do đó cá lóc rất bể ích cho sự phát triển về thể chất cũng như về trí não của trẻ em.
– Khi làm cho bé ăn phải bảo đảm đã loại bỏ hoàn toàn xương và da cá.
– Với cách làm trên ta cũng có thể thay thế cá lóc bằng cá thu hay cá hồi…

Bột cá điêu hồng nấu cà chua

Bột ăn dặm cho trẻ

Thực hiện

1. Cá luộc chín, lấy ra, gỡ lấy phần nạc, bỏ xương, bỏ vây, bỏ da, nghiền nhuyễn.
2. Cắt hình chữ thập lên quả cà chua, trụng sơ bằng nước sôi, lột bỏ vỏ, bỏ hạt, tán nhuyễn.
3. Cho nước dùng vào nồi, đun sôi, cho nạc cá vào, khuây đều, rồi cho cà chua vào, nêm một ít muối và dầu ăn, đun nhỏ lửa, nước sôi, khuấy đều tất cả là thành.

Dinh dưỡng

– Cá điêu hồng có thịt trắng, ít mỡ, vị ngọt, giàu omega-3, nhiều protein… tốt cho sự phát triển về thể chất cũng như trí não của trẻ.
– Cà chua có nhiều vitamin rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là cho da và mắt, trong đó nhiều nhất là vitamin c, chất đường và nước…

Bột cá trê rau mồng tơi

Bột ăn dặm cho trẻ

Thực hiện

1. Cá trê làm sạch, luộc chín, vớt ra, gỡ lấy nạc, cẩn thận gỡ bỏ xương và cả da, sau đó dùng muỗng tán nhuyễn, hoặc dùng rây bằng kim loại tán nhuyễn nạc cá thành bột.
2. Rau mồng tơi chỉ lấy phần lá, chọn lá to, xanh tươi, rửa sạch, băm thật nhuyễn.
3. Hòa một ít nước vào bột gạo cho tan đều, cho vào nồi, đun sôi bằng lửa vừa, sau đó cho bột cá vào, rồi đến rau mồng tơi, khuấy đều khoảng 5 phút cho rau chín, nêm nước mắm và dầu ăn là hoàn tất.

Dinh dưỡng

– Mỗi chén bột cung cấp 192kcal. Các chất Dinh dưỡng protein, chất bột đường, chất béo, canxi, sắt, iốt, vitamin c, Bl, B2…
– Có thể thay thế rau mồng tơi bằng rau dền, cải ngọt, rau ngót…

Bột sữa – thịt gà

Thực hiện

1. Thịt gà rửa sạch, băm nhuyễn, cho một muỗng canh nước vào khuấy đều.
2. Chưng cách thủy cho thịt gà thật chín, lấy ra, cho 40ml sữa bột bé thường dùng vào tán nhuyễn, để hơi nguội rồi cho bé ăn.

Dinh dưỡng

– Thịt gà không nhiều năng lượng nhưng lại chứa nhiều protein, phối hợp với món sữa chứa nhiều sắt và canxi, giúp cho xương và răng của bé phát triển toàn diện, đây là một món ăn rất bổ dưỡng cho trẻ ở tuổi ăn dặm.

Để tham khảo thêm bột ăn dặm cho bé, mời các mẹ tham khảo thêm tại đây.