Tìm hiểu về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Có rất nhiều tài liệu cũng như bài chia sẻ về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, mọi nguồn tham khảo đều hữu ích tuy tính chất mang lại chỉ tương đối, bởi tùy vào thể chất và hoàn cảnh của bé mà mẹ áp dụng cho phù hợp.

Ở bài viết này, chúng tôi tổng hợp một vài vấn đề cơ bản trong việc ăn dặm kiểu Nhật để các mẹ có thể hiểu rõ hơn nhằm định hình phương pháp cho con yêu!

Các nguyên tắc cơ bản

Khi bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ Nhật không hòa trộn thức ăn khi chế biến mà tách riêng từng thực phẩm, từng món riêng biệt để trẻ có thể cảm nhận và làm quen với mùi vị khác nhau, việc này còn giúp kích thích vị giác của trẻ, tạo hứng thú hơn khi trẻ ăn dặm.

Thông thường, cách nấu bột ăn dặm cho trẻ được áp dụng hầu hết là sử dụng  bột từ gạo xay ra, tuy nhiên ở Nhật thì họ sử dụng nguồn tinh bột từ bánh mì/gạo/mì udon (Mì làm từ lúa mạch) để chế biến.

Ngoài các loại thực phẩm khuyến cáo dễ gây dị ứng hay khó tiêu cho trẻ thì mọi nguồn lương thực, rau củ quả đều được mẹ Nhật chế biến thành các món ăn dinh dưỡng mà không hạn chế nhiều.

Đặc điểm nổi bật của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật chính là cách ăn: Trẻ được ngồi yên vị vào bàn ăn, môi trường xung quanh yên tĩnh, không tác động hay hỗ trợ từ các thiết bị phát ra âm thanh (tivi, ipad, điện thoại…), đặc biệt là không ép buộc trẻ ăn hết toàn bộ thức ăn.

Với mẹ nào áp dụng phương pháp này cho con yêu thì cần chuẩn bị tâm lý và sự kiên nhẫn rất nhiều, không đặt áp lực về chỉ tiêu cân nặng của con nữa.

Dấu hiệu nhận biết bé có thể ăn dặm?

Tùy vào sự phát triển và sức đề kháng của mỗi bé là khác nhau nên mẹ cần theo dõi kết hợp quan sát những dấu hiệu dưới đây để cho con ăn dặm:

  • Trẻ có thể tự ngồi được và giữ vững phần cổ/đầu
  • Trẻ hào hứng, thích thú, vòi thức ăn thường xuyên
  • Khi cho muỗng/thìa vào miệng, trẻ sẽ ít phản ứng đẩy ra hay từ chối

Hãy lưu ý là dù trẻ có đầy đủ những biểu hiện trên đây, thì quãng thời gian bắt đầu ăn dặm của mẹ và bé cũng gặp không ít gian nan, khó khăn hay thậm chí là căng thẳng. Vì vậy mẹ cần phải thật kiên nhẫn để tác động tâm lý thoải mái, tạo bầu không khí vui vẻ khi chế biến và cho bé ăn.

Những thực phẩm cần lưu ý trong giai đoạn bé ăn dặm

Thông thường, giai đoạn ăn dặm bắt đầu khi trẻ được 4 – 6  tháng, lúc này hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa phát triển hoàn thiện nên đặc biệt lưu ý một số thực phẩm sau:

Trứng: tuy không là đa số nhưng không ít trẻ có biểu hiện dị ứng với trứng. Tốt nhất mẹ nên cho bé ăn lòng đỏ trứng luộc chín kỹ khi được 7-8 tháng, tích cực quan sát xem bé có dấu hiệu dị ứng như ngứa, nổi mẫn đỏ, rối loạn tiêu hóa, đi phân bất thường…để lập tức ngừng sử dụng.

Mật ong: Đây là thực phẩm chỉ định không sử dụng cho đối tượng trẻ dưới 1 tuổi nhằm phòng tránh ảnh hưởng nhiễm trực khuẩn Clostridium

Sữa bò: Sữa bò được khuyến cáo chỉ cho bé trên 1 tuổi, giai đoạn ăn dặm nên hạn chế tối đa. Tuy vậy các chế phẩm từ sữa bò như phô mai thì lại là nguyên liệu dinh dưỡng tuyệt vời cho trẻ dưới 1 tuổi.

Hy vọng với những thông tin chia sẻ hữu ích trong bài viết trên đây, các mẹ sẽ định hình được chế độ dinh dưỡng nhằm giúp con yêu được phát triển toàn diện.