Tình trạng ọc sữa ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Vào những ngày tháng đầu đời, cơ thể con vẫn chưa phát triển toàn diện, hệ tiêu hoá cũng còn rất non nớt, do đó con rất dễ bị nôn trớ, hay còn gọi là ọc sữa. Vậy tình trạng như thế này có nguy hiểm không?

Đầu tiên, ọc sữa là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, xảy ra nhiều nhất khi con ăn quá no. Hiện tượng sinh lý này được coi là không quá nguy hiểm và sẽ tự động biến mất khi bé lớn hơn. Tuy nhiên, khi con bị nôn trớ liên tục dù không phải do bú quá nhiều hay do đổi tư thế đột ngột, đây có thể là biểu hiện của chứng trào ngược dạ dày.

Phân biệt ọc sữa sinh lý và trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ

Ọc sữa sinh lý:

Trẻ bú hoặc ăn quá no, trong quá trình đó vô tình nuốt nhiều không khí.
Con không dung nạp được sữa bò hoặc do bắt đầu làm quen với thức ăn mới.
Trẻ thường nôn trong lúc đang bú hoặc sau bữa ăn.
Tần suất ít, thoáng qua hoặc mỗi ngày 1 lần.
Trẻ vẫn hoạt động, vui chơi bình thường.

Nôn trớ do trào ngược dạ dày:

Cơ thắt thực quản dưới của trẻ yếu do đó không đủ sức cản sữa và thức ăn trong dạ dày của con tràn ra ngoài.
Tần suất nhiều hơn nôn trớ sinh lý.
Trẻ có biểu hiện sợ và từ chối bú sữa.

Ọc sữa ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Nguyên nhân gây ra trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Thay vì theo chiều tự nhiên từ thực quản đến dạ dày, đây là tình trạng thức ăn đi ngược lại từ dạ dày đến thực quản của con. Sau đây là hai trong số các nguyên nhân chính dẫn đến trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh:

Hệ tiêu hóa của trẻ không ổn định: Trong giai đoạn này, dạ dày của đứa trẻ vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Cụ thể là sẽ nằm ngang và cao hơn so với người lớn, kết hợp với việc cơ thắt giữa dạ dày và thực quản đóng mở không đồng đều sẽ gây ra trào ngược thức ăn lên thực quản.

Tư thế cho con bú sai: Khi cho con bú, nhiều mẹ thường mắc sai lầm là giữ bé nằm ngang, cộng với việc sau khi bú xong, hầu hết các bé đều được đặt nằm xuống mà không được giữ ở tư thế thẳng đứng. Lúc đó, dạ dày con sẽ như một cốc sữa được đặt nằm, dễ dàng trào ngược ra ngoài!

Chăm sóc cho trẻ thường xuyên bị ọc sữa và trào ngược dạ dày cần chú ý đến các điểm sau:

Nên chia việc cho ăn thành nhiều bữa nhỏ

Sau khi cho con bú, giữ bé ở tư thế thẳng đứng, tránh đùa giỡn vì sẽ dễ khiến sữa bị trào ngược ra ngoài.

Khi con bước vào thời kì ăn dặm, nên tập cho bé ăn thức ăn đặc và dễ tiêu hóa hơn.

Nếu bé sơ sinh bị ọc sữa, không cho bé bú lại ngay mà nên sử dụng nước ấm đánh sặc lưỡi hoặc cho con súc miệng.

Nên hút mũi cho bé khi bị sặc thức ăn và sữa bằng nước muối sinh lý.

Quan trọng nhất, nên cho bé ăn và ngủ trên một bề mặt nghiêng. Với tư thế này, thực quản sẽ luôn cao hơn dạ dày và tình trạng trào ngược sẽ giảm đáng kể.

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu không được chuẩn đoán và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các tình trạng như sợ bú, vặn người, lười ăn … mà về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cân nặng, ví dụ như gầy gò và sút cân nghiêm trọng ở con. Ngoài ra, bệnh lý này cũng gây ra các vấn đề về đường hô hấp như nghẹt thở, thở khò khè, nhiễm trùng đường hô hấp, thậm chí còn có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như ngưng thở. Do đó, cha mẹ cần hết sức chú ý khi chăm sóc trẻ để tránh việc con mắc phải tình trạng này nhé.